Năm hạnh của người Phật tử

Năm hạnh của người Phật tử

 

 

Tại sao phải bàn đến 5 hạnh của người Phật tử?

 

Thế giới quan và Nhân sinh quan Phật giáo đang ngày càng khẳng định giá trị bất biến trong mọi thời đại.

Nhân sinh quan Phật giáo nêu lên cái nhìn của người Phật tử về cuộc đời và những cách xử thế phù hợp với quy luật của tự nhiên và xã hội. Xuất phát những vấn đề từ “tâm ý” của con người để giải quyết tận gốc rễ những vấn đề phát sinh từ ý nghiệp, Phật giáo hướng con người đến việc tạo dựng từ tâm ý tốt để dẫn đến hành động tốt. Mọi vật đều khởi sự do tâm, rèn luyện được tâm tốt cũng có nghĩa là gieo những hạt giống tốt cho cách hành xử của mình trong cuộc sống. Vì thế mà, nương theo lời Phật dạy, thực hành chánh pháp, Phật tử đã tự vẽ cho mình một chiếc vòng kim cô để quy chiếu tất cả những giá trị đạo đức của cuộc sống vào đó, và cao hơn nữa, hướng đến cái thiện, cái mỹ trong vô vàn những cám dỗ cạm bẫy của cuộc đời. Vì thế, người Phật tử cần biết đến 5 hạnh, như là 5 lời khuyên răng, 5 lời nhắn nhủ để thực hành hằng ngày trong đời sống nhằm đạt được hạnh phúc và để thêm yêu quý chiếc hoa sen vẫn ngày ngày cài trên ngực áo mỗi chiều lễ Phật.

 

“Hạnh” là nết tốt, tính tốt. Vì thế, “hạnh” thường nằm trong những cặp từ thể hiện sự tốt lành như: “đức hạnh”, “hạnh phúc”, “hạnh ngộ”. Thực hành 5 hạnh của Đạo Phật cũng có nghĩa là Phật tử tự tích lũy cho mình những nết tốt để đạt được hạnh phúc viên mãn trong cuộc sống. Cũng chính vì ý nghĩa lớn lao đó mà Huy hiệu Phật tử - Bông hoa sen với 5 cánh tượng trưng cho 5 hạnh của người Phật tử, luôn được cài trên ngực áo nơi trang nghiêm nhất, để nhắc nhở người Phật tử luôn rèn luyện mình, tự răn mình.

 

 

 

 

Giải nghĩa 5 hạnh của người Phật tử:

 

  1. Hạnh Tinh Tấn: Là hạnh chủ đạo, là cánh giữa của huy hiệu hoa sen. Nằm ở vị trí trung tâm, Tinh tấn là hạnh huyết mạch, nối kết các hạnh khác lại với nhau, và vì thế mà Phật tử có Tinh tấn thì mới dễ dàng tu tập, thực hành các hạnh khác được. Tinh tấn biểu hiện những suy nghĩ tích cực trong tinh thần. Suy nghĩ tích cực, trong sạch dẫn đến hành vi tích cực, mà biểu hiện cụ thể, đó là trí huệ sáng suốt trong tư duy, tâm hồn thanh tịnh trong đời sống vật chất tinh thần, tấm lòng hỷ xã trong cư xử với cộng đồng và chúng sanh, và luôn mang đến những nghĩa cử từ bi, cứu nhân độ thế cho hết thảy nhân loại. Đối với người Phật tử, hạnh Tinh tấn thể hiện ở lối tu tập vừa sáng suốt vừa dũng mãnh, quyết chí tiến lên trên con đường đạo cho dẫu chông gai trắc trở. Vượt qua những chướng ngại của nghiệp duyên và cám dỗ của tà đạo để đến bên bờ giác ngộ chân lý, đó mới là người Phật tử biết thực hành hạnh Tinh tấn trong đời sống tu học của mình. Tượng trưng cho đạo hạnh này là Đức Phật Thích Ca, Người đã quyết tâm từ bỏ ngôi báu, hạnh phúc gia đình, vợ đẹp con ngoan, cam chịu đời sống khổ hạnh, chiến thắng yêu ma cám dỗ để tìm kiếm phương thức giải thoát cho chúng sanh, và cuối cùng Ngài đã đạt được thành tựu bằng chính nội lực tinh tấn đó.

 

  1. Hạnh Hỷ Xã: Tượng trưng cho hạnh này là Đức Phật Di Lặc, một vị Phật có tình thương rộng lớn bao la, có nét mặt luôn tươi cười hoan hỉ. Phật tử thực hành hạnh này cũng phải luôn biết sống bao dung, luôn biết thứ tha và làm những điều tốt lành để đem lại nụ cười cho mọi người xung quanh. Sống hỷ xã là không chấp nhất những việc làm mình không vừa ý, không căm ghét hay thù hận người, thấy người thành tựu thì vui mừng hoan hỉ, thấy người đau khổ thì chia sẻ động viên. Nói chung, người Phật tử sống hỷ xã thường nghĩ đến nhiều cho người khác, lấy điều làm lợi lạc cho chúng sanh làm niềm vui của bản thân mình. Và chính nhờ thực hành hạnh Hỷ xã mà con người sống vị tha hơn, niềm vui được nhân rộng hơn lên trong cộng đồng. Thực hành hạnh Hỷ xã cũng giúp cho Phật tử giảm bớt “tam muội”, tức tham, sân, si trong đời sống thường nhật.

 

  1. Hạnh Thanh Tịnh: Là đạo hạnh cần thiết cho phong cách tu học của người Phật tử. Sống giữa cuộc đời đầy bon chen cạm bẫy, người Phật tử cần giữ cho mình một khoảng trời trong sạch để luôn hướng đời sống tinh thần của mình đến với lý tưởng giác ngộ, và không đi chệch ra khỏi quỹ đạo của sự Giải thoát. Thanh tịnh là luôn giữ cho mình sự trong sạch, sáng suốt từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Thân thể luôn gọn gàng sạch sẽ, tác phong nghiêm trang đỉnh đạc, lời nói chân thật sáng suốt, hành động đúng đắn không sai lệch…đều là những biểu hiện của hạnh Thanh Tịnh. Thực hành hạnh Thanh Tịnh giúp cho người Phật tử luôn bình tĩnh, sáng suốt để nhận rõ vấn đề, đời sống giản dị thanh bạch, tác phong điềm đạm từ tốn nhưng vẫn tràn trề một nội lực minh mẫn bên trong, làm cho mọi người xung quanh đều thấy cảm phục. Tượng trưng cho hạnh Thanh Tịnh là Ðức Phật A Di Ðà, một Ðức Phật có hào quang vô lượng, thọ mạng vô lượng, ngự trị ở cảnh giới tịnh độ nhất, thanh tịnh nhất. Vì vậy, luyện tập cho thân và tâm luôn được thanh tịnh, Phật tử cũng dễ dàng chứng được cảnh giới Niết Bàn an lạc của Đức A Di Đà.
  2. Hạnh Trí Tuệ: Người Phật tử trên con đường đạt đến giác ngộ chân lý luôn đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều chông gai, cám dỗ, vì vậy, nếu không trang bị cho mình một trí tuệ thông suốt, dũng mãnh, người Phật tử rất dễ bị mỏi gối chồn chân. Đủ trí tuệ, người Phật tử mới có thể lý giải được tất cả các hiện tượng phát sinh trong đời sống và tu học, hiểu rõ được nguyên nhân, quá trình và cả phương pháp tu học để đạt được sự giác ngộ chân lý. Hiểu được triết lý xã hội đã khó, hiểu và thông tỏ triết lý đạo Phật lại càng khó hơn. Vì thế, người Phật tử luôn phải thực hành hạnh Trí Tuệ, nghĩa là trong đời sống hằng ngày phải luôn luôn tu học, trau dồi, cả về lý luận Phật học lẫn thực tiễn đời sống xã hội, để hiểu đúng và thực hành đúng những triết lý sâu sắc của Phật giáo. Tượng trưng cho hạnh Trí Tuệ là đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vị Bồ Tát có trí huệ bậc nhất, tiêu biểu cho sự hiểu biết, và thường thay thế Ðức Phật Thích Ca khai sáng trí tuệ cho mọi loài.
  3. Hạnh Từ Bi: là hạnh nguyện lớn nhất của người con Phật và cũng là gốc rễ tinh thần của Phật giáo. Từ bi được hiểu theo nghĩa rộng nhất là đem vui cứu khổ cho mọi người mọi loài. Giúp người một miếng khi đói, cưu mang người trong cảnh khốn cùng, săn sóc một con vật bị thương trong cơn nguy kịch…đều là những biểu hiện của lòng từ bi. Thương người như thương mình, thương người hơn thương mình…đều là gốc rễ khơi gợi lòng từ bi ở đại chúng. Lòng từ bi không thể hiện ở việc mang lại hay cho đi nhiều hay ít, mà biểu hiện ở tấm lòng luôn muốn được những điều an vui cho chúng sanh, bất kể mọi người mọi loài. Do vậy mà hạnh Từ Bi trong triết lý đạo Phật có ý nghĩa rất lớn. Đem vui cứu khổ không chỉ là hành vi của hiện tại, đem đến trong hiện tại mà còn là sự cưu mang, cứu giúp cho người khác được giác ngộ, cho niềm vui được hoàn toàn viên mãn trong nhiều đời nhiều kiếp. Vì vậy mà tượng trưng cho hạnh Từ Bi là đức Quán Thế Âm Bồ Tát, một vị Bồ Tát hiện thân cứu khổ cứu nạn cho mọi loài, nguyện ở lại nơi cõi Ta Bà thế giới để giác ngộ cho hết thảy chúng sanh. Đó là biểu hiện của một tấm lòng từ bi rộng lớn, bao la, thương yêu hết thảy mọi người mọi loài, không phân biệt, không mưu cầu toan tính.

Tu Viện Tây Phương

ven;Thích Hạnh Đức