Đêm qua sân trước một nhành mai…
Một năm nữa sắp trôi qua…Phút giao mùa gợi lên trong lòng người những cảm xúc lắng đọng. Thêm một phút nữa ta tĩnh tâm lắng nghe giọt thời gian đang trôi, giữa dòng đời cuộn chảy…
Bây giờ chưa có mai, nhưng tâm đang vui, ta vẫn đang thấy một nhành mai nở rộ, chợt nhớ đến thi tứ của Thiền Sư từ lâu đã đi sâu vào cảm thức người tu như một lời kệ:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai
Xuân đi trăm hoa rơi
Xuân đến trăm hoa nở
Việc đời qua trước mắt
Già theo đến trên đầu
Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
(Thích-Chân-Tuệ)
Lời thơ như một lời chiêm nghiệm. Lời chiêm nghiệm mang phong vị thiền, nên cảm xúc lắng đọng mà không quá suy tư, ngột ngạt. Như một nốt nhạc lạ vút lên giữa những giai điệu quen thuộc, để từ đó thênh thang, lãng du trên khắp miền y tưởng…Nơi nhân loại thong dong, tự tại bước đi trên chính đôi chân trần của mình.
Lấy điều hoa nở, hoa rụng để trải nghiệm cái rong ruổi của thời gian, cái quy luật mặc định của tạo hóa cho đời người, thật đã làm nhẹ đi bao nhiêu y tứ, chất thiền cũng vì thế được lan tỏa:
Xuân đi trăm hoa rơi
Xuân đến trăm hoa nở
Có điều chi phải băn khoăn chuyện hoa nở hoa rơi…Nói chuyện hoa nở, hoa rơi mà nghĩ được đến đời người ngắn ngủi, đã thật là tài hoa của Thiền sư. Người hiền lấy việc đơn giản làm điều ly giải, cần chi phải mượn dẫn đến những ngôn ngữ cao siêu? Đơn giản mà y vị là vậy…Trăm hoa, nghĩa là hoa nào cũng vậy, không cớ chi hoa phù dung ở đất bắc, hoa anh đào ở xứ tuyết Á Châu hay hoa tulip, hoa …ở trời Tây cũng vậy….Vì thế mà quy luật hoa nở, hoa tàn là phổ quát, là chung quy cho tất cả nhân loại. Loài người ở đâu cũng chỉ cảm thức cái ngắn ngủi, hữu hạn của đời người, quá nhỏ bé trong cái bao la, vô cùng của đất trời. Chuyện đi-đến (khứ-lai) trong cuộc đời tồn tại như một lẽ vĩnh hằng,
Đó là quy luật đào thải của thời gian…Mượn hoa mai, vì hoa mai gắn liền với mùa xuân của dân tộc. Đi rồi mới đến, rơi rồi mới nở...gợi lên được cái tuần hoàn, xoay vần của tạo hóa. Thông điệp nhắn gởi tuy giản đơn mà nhiều y vị sâu xa: Dù xuân đi, trăm hoa rơi rụng, không còn khoe sắc, nhưng đừng vội buồn chi vì xuân lại đến cho trăm hoa đua nở. Xuân đến rồi, ngàn hoa khoe sắc, nhưng cũng chớ vội mừng vì xuân đến lại đi không thể nào níu kéo…Vì thế, hãy coi như chuyện đi-đến, hợp-tan, mất-còn trong đời này như là nhân duyên…có khởi đầu và cũng có kết thúc, nên tâm hồn tự tại đón nhận, không tham lam, không vướng bận thì đã nhìn thấy chân pháp rồi.
Việc đời qua trước mắt
Già theo đến trên đầu
Ngắn ngủi và cũng chóng tàn như kiếp hoa, đời người cũng luôn phải chứng kiến những cảnh được mất, hợp tan, vui buồn…Cuốn theo dòng xoáy của cuộc sống, nhìn lại con người chợt nhận ra tuổi đã già, trên đầu tóc đã điểm sương…
Thưở nhỏ ra đi trở lại già
Giọng quê chắng đổi tóc sương pha
Trẻ con trông thấy không quen biết
Cười hỏi: khách người ở phương xa?
Tâm trạng không khỏi xót xa, nuối tiếc khi nhìn thấy cuộc sống đã trôi qua rất nhanh, nơi vết dấu thời gian chỉ còn đọng lại trên khóe mắt, trên mái đầu xanh trẻ ngày nào đã điểm những sợi tóc hoa râm. Trong cảm thức ngậm ngùi ấy, con người thường nuối tiếc, xót xa, lo sợ một ngày kia rồi tuổi già, bệnh tật sẽ đến với mình. Vòng quay sinh tử không chừa sót một ai. Nhưng trong hiện thực cuộc sống của chúng ta hôm nay, cũng có không ít chúng sanh y thức được nhân duyên đó, nên chủ động nhận lãnh nó với tâm thế hoan hỉ, lạc quan. Đã có rất nhiều người tự lo mồ mả cho bản thân, hay đem tài sản hiện thời viết vào di chúc mong trở thành món quà từ thiện cho hậu thế sau này…Thế mới thấy rằng, tâm tự tại an nhiên đã không chỉ giúp cho chính người đó cảm thấy an lạc mà còn đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc trong sự san sẻ yêu thương với tất cả những người xung quanh. Những tâm hồn đó chẳng khác gì nhành mai vẫn nở trong những ngày cuối xuân, có thể nói, họ là những người đã lĩnh hội được tinh thần của Thiền sư Mãn Giác, khi Ngài cũng ở trong tâm trạng của những ngày bệnh tật:
Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
Một nhành mai vĩnh hằng trong tâm thức của con người biết đón nhận!. Cùng ở trong một khoảng không gian như mảnh sân vườn, trong cùng một khoảng thời gian là mùa xuân đã qua, nhưng có người không nhìn thấy được nhành mai, có người vẫn nhìn thấy một nhành mai huyền diệu vẫn nở trong đêm trời cô tịch. Chẳng phải là mọi vật khởi sinh từ tâm mà ra đó chăng?
Ví như một người đang bệnh như Thiền sư vẫn còn tìm thấy một niềm lạc quan yêu đời mãnh liệt như vậy, thì bệnh hoạn nào chẳng chiến thắng được. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn kính phục và học hỏi những tấm gương vươn lên trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, trong sự đối mặt với những căn bệnh chết người như ung thư, AIDS..vẫn vươn lên tìm sự sống, và đã thoát ra khỏi bệnh tật. Có lẽ trong họ đã tìm thấy một nhành mai cho riêng mình, một nhành mai bất diệt bất chấp những luật định thường mặc của cuộc sống.
Lời răn dạy của Thiền sư vì thế mà luôn có y nghĩa trong mọi thời đại, với cả những người tu hành và cả chúng sanh trong đời sống thường nhật. Lời kệ thắp thêm đuốc sáng lạc quan, niềm tin vào sự vĩnh hằng của một cái tâm nhất nhất, vượt lên trên vòng quay oan nghiệt của tạo hóa. Xuân đến rồi đi, tuồi già sẽ đến…Tất cả như những mặc định của thời gian nằm ngoài nhân y. Tư tưởng Thiền học giúp Thầy, và cả chúng ta, không thoát ly khỏi cuộc sống thực tại để đi tìm niềm vui, hạnh phúc ở một thế giới khác như một số trường phái vẫn làm, mà là chủ động, an nhiên đón nhận những sự sinh diệt đó với tinh thần lạc quan để sống tốt hơn, an lạc hơn trong đời sống này, và cũng để gieo mầm cho một nhân duyên khác được đơm hoa, kết trái, bởi vì có luân hồi sanh tử. Nhành mai còn sót lại sau đêm xuân tàn chỉ là tạm bợ, nhành mai trong tâm tưởng mới là vĩnh cửu, mới là động lực và là hạt giống tốt tươi của mọi thời đại. Cảm thức nhân sinh và thiền tông, trải nghiệm thú vị giữa đạo và đời đã để lại cho chúng ta một kiệt tác bất hủ của thời gian, một lời chân kệ của mọi kiếp nhân sinh. Thật đúng tâm y với những câu thơ vô tình đọc được mà làm lòng nhớ mãi:
Hình hài như huyễn hóa
Thân xác tợ bọt bèo
Bỏ tên hoa dục vọng
Tử thần hết dõi theo
Tu Viện Tây phương
Trọng Đông
Ven:Thích Hạnh Đức